Năm 2008, ở tuổi 37, thầy giáo Nguyễn Văn Thưởng là tiến sĩ Sử học đầu tiên của Phú Yên. 24 năm đứng trên bục giảng và gắn bó với khoa học lịch sử đã giúp thầy thêm yêu nghề và đam mê nghiệp viết lách. Từ rất sớm, Nguyễn Văn Thưởng đã viết báo, tạp chí chuyên ngành và đăng ký thực hiện đề tài, viết sách. Phần lớn nội dung nghiên cứu của thầy Thưởng tập trung vào lĩnh vực sử học, đó là quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Phú Yên và khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Theo thầy, đây là một bộ phận cấu thành quan trọng của các địa phương trong tiến trình lịch sử của cả dân tộc. Những kết quả nghiên cứu của thầy đã được vận dụng vào quá trình giảng dạy, đào tạo sinh viên đại học và học viên cao học.
Là Trưởng khoa, kiêm Trưởng Bộ môn Lịch sử - Địa lý Khoa Xã hội và Nhân văn Trường đại học Phú Yên, thầy Nguyễn Văn Thưởng luôn động viên, khuyến khích đồng nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, vì đây là điều kiện giúp giảng viên trang bị nhiều kiến thức thực tiễn và đứng vững trên bục giảng. Bản thân thầy cũng đã có những đóng góp thiết thực, hiệu quả trong GD-ĐT, nhất là hướng dẫn sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp, và đặc biệt là hướng dẫn học viên làm luận văn thạc sĩ. Thầy đã và đang hướng dẫn hơn 10 học viên cao học và một nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Thầy Thưởng thường xuyên tham gia các hội đồng khoa học chuyên ngành, cụ thể là tham gia đánh giá, phản biện, nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học ngành xã hội cấp bộ, cấp tỉnh, cấp trường ở tỉnh Phú Yên và các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa; tham gia hội đồng chấm luận văn thạc sĩ.
PGS.TS. Nguyễn Văn Thưởng tại Hội thảo khoa học quốc tế 'Các loại hình du lịch hiện đại'
Thành tựu đáng kể nhất của thầy Thưởng là hoạt động nghiên cứu khoa học; đến nay thầy đã tham gia viết 16 cuốn sách tham khảo, trong đó chủ biên và viết riêng 5 cuốn. Đơn cử, cuốn sách “Lương Văn Chánh - thân thế và sự nghiệp” của thầy được xuất bản đúng vào dịp kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển, có thể xem như một sự tôn vinh của người dân đất Phú đối với vị Thành hoàng vùng đất Phú Yên. Gần đây, thầy viết 2 cuốn sách: “Xây dựng tuyến phòng thủ ven biển dưới triều Nguyễn (tỉnh Bình Định - Phú Yên)”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, và cuốn “Hoạt động của Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên (1930-1931)”, NXB Lý luận Chính trị Hà Nội… đều là những công trình, tác phẩm có giá trị được giới sử học và bạn đọc đánh giá cao.
Thầy giáo, TS Nguyễn Văn Thưởng còn công bố nhiều bài báo trên tạp chí nghiên cứu chuyên ngành trong hệ thống được tính điểm khoa học. Bên cạnh đó, thầy thường xuyên trao đổi học thuật thông qua hội thảo, hội nghị khoa học trong nước và hội thảo quốc tế tổ chức ở Việt Nam. Thầy Thưởng còn là người duy nhất ở Phú Yên được mời biên soạn 3 chuyên đề trong Bộ Lịch sử Việt Nam (Bộ Quốc Sử) thuộc đề án Khoa học xã hội cấp quốc gia thực hiện từ năm 2014-2018 do GS Phan Huy Lê làm chủ nhiệm.
Làm được rất nhiều việc có ý nghĩa trong sự nghiệp trồng người cũng như công tác nghiên cứu khoa học nhưng thầy rất kiệm lời, ít nói về việc làm của mình mà chỉ mong làm thật nhiều và được mọi người chấp nhận, trao đổi với nhau. TS Nguyễn Văn Thưởng tâm sự: “Tôi không “tham vọng” nghiên cứu những công trình lớn lao mà chỉ có “khát vọng” được đóng góp chút công sức của mình cho quê hương là vui rồi”. Với bản thân, thầy luôn đề cao việc tự học, tự nghiên cứu. Sự nghiêm túc trong giảng dạy, tính tình hòa nhã, khiêm tốn và say sưa nghiên cứu khoa học của thầy luôn được đồng nghiệp và bạn bè ngưỡng mộ.
TS Nguyễn Định, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường đại học Phú Yên, nhận định: “Với những nỗ lực đóng góp, cống hiến xuyên suốt chặng đường gần một phần tư thế kỷ trong sự nghiệp GD-ĐT và nghiên cứu khoa học, TS Nguyễn Văn Thưởng được Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh PGS, là sự vinh danh, ghi nhận xứng đáng. Có thể nói, thầy Nguyễn Văn Thưởng, một nhà khoa học, một trí thức Phú Yên nhiệt thành, đã dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp GD-ĐT”.
NGUYỄN HOÀI SƠN (Theo Báo Phú Yên)